Doanh số thấp nhất trong vòng 7 năm qua
Sự ảnh hưởng của đại dịch đã làm ảnh hưởng nặng nề sự phát triển kinh tế, trong đó hoạt động kinh doanh ô tô cũng phải chịu những tổn thất, thiệt hại. Không chỉ những showroom, đại lý đóng cửa mà cả các hoạt động đăng kiểm, đăng ký, hải quan cũng phải trì trệ khiến ngành ô tô gần như đóng băng.
Trong thời gian giãn cách, mọi người có xu hướng hạn chế chi tiêu khiến doanh số bán ra của nhiều dòng ô tô xuống mức thấp. Đỉnh điểm vào thời gian tháng 8, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô (VAMA) công bố chỉ bán được 7714 chiếc xe, thấp kỷ lục trong vòng 7 năm qua. Thị trường ảm đạm, nhân viên phải chuyển sang hình thức tư vấn online, sự kiện Vietnam Motor Shows cũng đã phải hủy bỏ 2 năm liên tiếp.
Đến tháng 10, những hoạt động phục hồi kinh tế đã dần trở lại và ngành ô tô cũng có nhiều sự tăng trưởng đáng kể. Sau đó một tháng, thị trường ghi nhận mức bán xe cao kỷ lục của năm. Tính theo doanh số cộng dồn đến thời điểm hiện tại chỉ thua 2% so với năm 2020.
Nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ
Nghị định 103 khiến cho những dòng xe lắp ráp trong nước được hưởng lợi nhiều nhất. Người mua xe chỉ phải đóng 50% lệ phí trước bạ so với mức phí hiện hành như các cái tên Toyota Vios, Hyundai Accent. Hiệu lực này có giá trị từ tháng 12/2021 đến cuối tháng 5/2022. Theo quan sát, lượng khách hàng đặt xe, đến showroom trong tháng 12 tăng khá cao. Tuy vậy, một số dòng xe cũng đã điều chỉnh lại mức giá và cắt bớt ưu đãi so với thời gian trước dịch.
Xe nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam
Dù định hướng ưu tiên lắp ráp xe hơi trong nước được thể hiện rõ qua các chính sách nhưng với nhiều hãng, nhập khẩu xe vẫn chiếm tỷ trọng không nhỏ trong cơ cấu kinh doanh tại Việt Nam. Tính đến hết tháng 11, lượng xe nhập khẩu về nước đạt 144.971 chiếc, tăng 56,7% so với cùng kỳ 2020. Riêng ôtô 9 chỗ trở xuống đạt 101.193 chiếc, tăng 47,9%.
Trong số các quốc gia xuất khẩu ôtô nhiều nhất sang Việt Nam, Thái Lan và Indonesia chiếm đến gần 80% dung lượng. Xe hơi nhập từ hai nước này tính đến tháng 11 đạt tổng cộng 115.860 chiếc, tăng 49% so với cùng kỳ 2020, giá trị tương đương khoảng 1,9 tỷ USD. Việt Nam vì thế trong nhiều năm qua, được xem là "mỏ vàng" xuất khẩu của hai quốc gia này.
Bùng đổ phân khúc CUV đô thị
Trong 2021, không một phân khúc nào sôi động hơn nhóm xe đô thị cỡ nhỏ, từ A+ đến C-. Các hãng xe liên tiếp giới thiệu các sản phẩm mới ở phân khúc này, tạo ra sự đa dạng lựa chọn cho khách hàng.
Sau thành công của Corolla Cross, Toyota mang về chiếc Raize để cạnh tranh với đối thủ Kia Sonet, một tân binh (hạng A+) của thị trường trong 2021. Trước Sonet, Kia, hãng lắp ráp và phân phối bởi Trường Hải (Thaco) đã có Seltos ở phân khúc CUV cỡ B. Hãng này cũng hé lộ kế hoạch bán Kia Sportage, chiếc CUV cỡ C trong 2022.
Trào lưu xe điện
Hôm 25/12 tại khuôn viên nhà máy ở Hải Phòng, VinFast giao những chiếc xe điện thương mại VF e34 đầu tiên cho khách hàng trong nước. Sự kiện đánh dấu bước đi tiên phong của hãng Việt ở lĩnh vực xe điện phổ thông tại Việt Nam.
Thị trường xe điện trong nước hiện ở giai đoạn khởi phát với VinFast là hãng "nhanh chân" nhất nhưng không phải duy nhất. Volkswagen, Mercedes đều xác nhận sẽ bán xe điện trong tương lai gần tại thị trường Việt Nam. Với Volkswagen là kế hoạch đưa xe điện (chưa xác đinh mẫu nào) về nước trong 2023, trong khi Mercedes giới thiệu EQS cho khách Việt trong sự kiện trực tuyến hồi tháng 11.