Về miền Tây sông nước có rất nhiều các làng nghề truyền thống, chắc chắn du khách sẽ thích thú và ấn tượng khi được tìm hiểu những làng nghề lâu đời này. Các làng nghề không chỉ là nơi mưu sinh của người dân, mà còn đóng góp một phần không nhỏ tạo nên vẻ đẹp của quê hương Cần Thơ và các tỉnh miền Tây gắn liền với những nghề bình dị này.
Cùng Cho thuê xe Cần Thơ 24h tìm hiểu những làng nghề truyền thống nổi tiếng qua bài viết sau đây nhé!
1. Làng nghề đan lưới Thơm Rơm
Địa chỉ: Ấp Tân Lợi 2, Xã Thuận Hưng, Huyện Thốt Nốt, Thành phố Cần Thơ.
Làng nghề đan lưới Thơm Rơm hoạt động quanh năm nhưng cao điểm là trong các tháng mùa nước nổi. Từ khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hàng năm, khi con nước tràn đồng thì nhu cầu đánh bắt cá của bà con gia tăng. Đây là thời điểm các hộ dân làm lưới hoạt động hết công suất để đủ cung cấp cho người dân, phục vụ nhu cầu đánh bắt thủy sản trong mùa nước lũ.
Thoạt đầu, người dân nơi đây làm lưới để phục vụ nhu cầu cho bà con địa phương nhưng hiện nay sản phẩm này đã trở nên nổi tiếng và phổ biến trong nhiều khu chợ vùng đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí cả xuất khẩu sang Campuchia.
Lưới sản xuất ở đây được người dân ưa chuộng bởi độ bền cao, dễ dính cá và phù hợp với các môi trường, địa hình như mương, vườn, sông, rạch,... Đặc biệt là lưới Thơm Rơm có giá bán rất phải chăng cùng mẫu mã đa dạng, phong phú, cùng với đó là lưới bền và chất lượng từ bao đời nay.
Công việc đan lưới đòi hỏi tính tỉ mỉ, cẩn thận và kiên nhẫn rất cao.
Nghề đan lưới không phải ai cũng có thể làm được, đòi hỏi người thợ đan lưới phải rất tỉ mỉ, khéo léo và kiên nhẫn, mới có được những tấm lưới chất lượng, đẹp mắt. Bên cạnh đó, những hộ dân trong làng nghề truyền thống này ngoài sản xuất sản phẩm chính là lưới bắt cá thì họ còn sản xuất và kinh doanh thêm nhiều dụng cụ đánh bắt khác như chài, vó, vèo, lú,...
Nếu có dịp đến với làng nghề truyền thống đan lưới Thơm Rơm thì các bạn nhớ phải tận mắt chiêm ngưỡng và tìm hiểu về quy trình và phương pháp mà những người nghệ nhân tài ba nơi đây sản xuất ra những tấm lưới chất lượng nhất nhé.
Xem thêm: Khám phá Bảo Gia Trang Viên, vườn sinh thái mới nổi giữa lòng Cần Thơ
2. Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng
Địa chỉ: Khu vực Tân Phú, Phường Thuận Hưng, Quận Thốt Nốt, Thành phố Cần Thơ.
Với lịch sử tồn tại hơn 200 năm tại quận Thốt Nốt, làng nghề truyền thống bánh tráng Thuận Hưng nổi tiếng với hơn 500 lò bánh tráng vẫn ngày đêm “đỏ lửa” mà vẫn không đủ cung cấp bánh ra thị trường để phục vụ nhu cầu của du khách.
Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng từ rất lâu đã nổi tiếng với những chiếc bánh dẻo thơm, mịn đều. Thuở đầu chỉ có vài hộ tráng bánh để ăn vào dịp Tết. Dần dà, hương vị thơm ngon đặc trưng của bánh tráng Thuận Hưng để lại ấn tượng sâu sắc với du khách khi được nếm thử món bánh nơi đây. Nhiều người biết đến và đặt hàng, từ đó các lò bánh bắt đầu mọc lên nhiều hơn và ngày càng phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng - điểm du lịch ẩm thực nổi tiếng tại thành phố Cần Thơ.
Để cho ra đời được những mẻ bánh thơm ngon và chất lượng, nguyên liệu làm bánh là yếu tố quan trọng, người dân lựa chọn gạo của vùng Thốt Nốt, gạo gặt về để 6 tháng mới làm. Đặc biệt không được chọn gạo mới thu hoạch hoặc đã để quá lâu ngày vì sẽ khiến bánh bị giảm chất lượng và hương vị bớt thơm ngon.
Sau đó, gạo được ngâm rồi đem xay thành bột, lọc bỏ phần nước chua rồi pha bột đó với nước sao cho đúng tỷ lệ. Cuối cùng là nêm thêm một chút muối để bánh có vị đậm đà, thơm nồng mùi gạo đặc trưng.
Sau công đoạn chuẩn bị sẽ đến khâu tráng bánh. Công đoạn này cũng khá công phu và đòi hỏi sự cẩn thận. Lửa để tráng bánh phải để nhỏ liu riu, tráng bánh phải đều và nhanh tay thì bánh mới tròn, mỏng đều được. Cuối cùng là công đoạn phơi bánh, gỡ bánh. Khi phơi người ta phải canh nắng để gỡ bánh đúng lúc để cho bánh được nguyên vẹn, tròn đều và không bị cong vênh.
Địa điểm thu hút du khách đến tìm hiểu về làng nghề truyền thống và gặp gỡ những người đã giữ lửa làng nghề.
Bánh tráng Thuận Hưng cũng có nhiều loại từ mặn, ngọt đến nhạt, bánh tráng nem hay bánh tráng dừa… Qua bao đời, thế hệ nhưng những chiếc bánh tráng được sản xuất ở đây vẫn giữ nguyên vẹn được chất lượng và hương vị tuyệt hảo đặc trưng.
Có dịp du lịch Cần Thơ, ghé thăm làng bánh tráng Thuận Hưng, ngoài ấn tượng từ thao tác làm bánh khéo léo nhanh nhẹn của những người thợ, thưởng thức những loại bánh tránh thơm ngon, du khách còn có dịp biết rõ về người dân ở làng nghề này, thêm lòng cảm phục những con người đôn hậu, yêu nghề như một phần hơi thở của mình, họ đã làm cho các ngành nghề truyền thống luôn sống bền bỉ và không bị mai một theo thời gian.
3. Làng nghề truyền thống chằm nón lá
Địa chỉ: Ấp Thới Tân A, Xã Thới Tân, Huyện Thới Lai, Thành phố Cần Thơ.
Nghề chằm nón lá ở ấp Thới Tân A không ai nhớ rõ xuất hiện từ năm nào và tổ nghề là ai. Tuy nhiên, theo những người đã gắn bó với nghề lâu năm ở đây cho biết, nghề này có khoảng trên 70 năm, hiện nay đã thành lập được Nghiệp đoàn chằm nón lá với trên 36 hộ gia đình sinh sống bằng nghề truyền thống này.
Khác với miền Trung làm nón Bài thơ bằng lá buông và dây thao, người dân ở đây chọn loại lá mật cật và cây trúc làm nguyên liệu chính để làm nón. Nghe loại lá này khá lạ tai, mật cật là loại cây có lá xòe rộng như lá cọ, thân cây nhỏ và thấp, mọc thành từng đám hoặc bụi, hai bên cọng của tàu lá đầy gai nhọn. Đặc biệt, mỗi cây mật cật chỉ có một lá non và chiếc lá non đó sẽ được chọn để làm ra chiếc nón chất lượng nhất.
Nếu có dịp đến với thành phố Cần Thơ, các bạn nhất định phải ghé thăm làng nghề truyền thống chằm nón lá đấy nhé.
Muốn làm nón đòi hỏi người thợ phải có khung chằm hình chóp với kích thước bằng chiếc nón lá mà người dân vùng này thường gọi là cái mô được bày bán rất nhiều ở chợ. Vào những năm 80 trở về trước, nón lá được làm từ mô có 15 vành.
Sau này, khi thị hiếu của khách hàng thay đổi, người dân Nam Bộ hay miền Tây bắt đầu ưa chuộng nón lá kiểu Huế với 16 vành hay còn có tên khác là nón Bài Thơ. Vì thế mà những người thợ ở Thới Tân A cũng nhanh chóng bắt kịp xu hướng, thay đổi cách làm. Họ bắt đầu sử dụng mô nón của xứ Huế để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của nguời tiêu dùng.
Đến đây, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến cách mà những nghệ nhân tạo ra những chiếc nón lá đẹp mắt và chất lượng nhất. Du khách cũng nên chính tay mình trải nghiệm quá trình sản xuất nón lá như một người thợ thực thụ nhé.
Mỗi nghề mang một vẻ đẹp, một nét đặc trưng riêng, nhưng điểm chung của 3 làng nghề truyền thống lâu đời ở Cần Thơ là đều ẩn chứa những giá trị văn hóa đáng trân trọng và cần gìn giữ, phát triển. Hy vọng với những thông tin bổ ích ở trên có thể giúp bạn tích góp được những kinh nghiệm quý giá cho chuyến du lịch Cần Thơ thêm phần ý nghĩa và trọn vẹn. Chúc các bạn có chuyến đi thật đáng nhớ!